Tuổi 29 chơi vơi, tôi chợt nhận ra mình vẫn chỉ là một đứa trẻ trong hình hài người lớn và đúc rút bài học đắt giá tới thấm thía trong cuộc đời
09:40 02/04/2021Cat Li Stevenson, một cô gái 29 tuổi, đang dành hết thời gian để luyện tập Thiền, cho rằng mỗi chúng ta đều có sự lựa chọn trong cuộc sống. Nhưng cuộc sống ngắn ngủi là thế, nên hãy sống là chính mình, đừng sống vì lý tưởng của những người trong xã hội.
Sáng nay, khi tôi rời khỏi nhà mẹ chồng mình, tay xách nách mang đủ thứ với ba chiếc túi rất lớn: một chiếc túi đựng đồ tập Yoga, một chiếc túi xách đeo trên vai và một chiếc túi da chật ních iPad, máy tính xách tay, sạc pin, thẻ khách hàng và một tờ tạp chí. Mẹ chồng tôi, Janis, đứng nhìn rất bình thản, mỉm cười và nói tôi đúng là một quý cô cặp túi.
Janis là người phụ nữ sống cho hiện tại nhất tôi từng gặp. Dạo gần đây, bà còn trở thành một lời nhắc nhở của bản thân tôi rằng hãy sống chậm lại. Vì vậy, tôi cảm thấy cần phải giải thích bộ dạng mang vác lỉnh kỉnh của tôi với bà:
“Mẹ thấy đấy, một chiếc túi dành cho lớp tập yoga buổi trưa, một chiếc cho những công việc cần thiết ở ngân hàng, còn một chiếc dành cho sau giờ làm liên quan đến bất động sản và chuyện viết lách”. Tôi nói trong tâm thế đầy tự hào với ba cuộc sống tôi đang mang trên vai.
Janis nói chậm rãi và nhẹ nhàng: “Con có rất nhiều năng lượng và tất nhiên, con có thể làm được tất cả mọi việc”.
Tôi hít một hơi thật sâu (dường như khi nói chuyện với bà, tôi luôn nín thở), rồi chỉnh mấy chiếc túi cho cân bằng trên vai.
“Ít nhất là cho đến bây giờ. Sang năm con sẽ không còn ở tuổi đôi mươi nữa, con phân vân liệu mình vẫn có thể di chuyển với tốc độ tối đa cùng nhiều nhiệm vụ một lúc như bây giờ”, câu trả lời khiến tôi cảm thấy năng lượng của mình yếu hẳn đi.
Bà cố tình không trả lời câu hỏi của tôi: “Con chỉ là một đứa trẻ”.
Janis năm nay 67 tuổi, có một đôi mắt trẻ trung, tràn đầy sự duyên dáng và ấm áp. Bà nhìn tôi ân cần: “Ở tuổi 30, con sẽ thực sự học được cách trở thành một người lớn”.
Bà hôn tạm biệt rồi khép cánh cửa lại đằng sau.
Lái xe đến văn phòng buổi sáng hôm đó, tôi không ngừng suy nghĩ về điều mà Janis nói, tôi thực sự vẫn chỉ là một đứa trẻ, dù đã 29 tuổi.
Trong hầu hết những năm tuổi đôi mươi, tôi vẫn luôn nghĩ mình biết tất cả. Tôi nghĩ rằng mình đã đi qua tuổi trưởng thành vì đã tự lập từ khi mới 17 tuổi. Tôi mất mẹ năm 12 tuổi, tự gánh vác nuôi nấng những đứa em bé bỏng của mình và kết hôn khi còn rất trẻ. Tôi đã nghĩ mình trưởng thành sớm hơn những đứa trẻ cùng trang lứa.
Khi tốt nghiệp trung học, tôi cảm tưởng như một nhà quản lý tuổi 30 đã dùng một chiếc đồng hồ bấm giờ và nhấn nút bắt đầu, thôi thúc tôi đi thật nhanh trên chặng đường dài phía trước.
Có lẽ, đây là thời điểm chạy nước rút của tôi trong quãng thời gian từ 18 đến 29 tuổi, để bước sang tuổi 30, tôi có thể thực sự tìm thấy đích đến thành công mà mọi người luôn muốn chạm tay đến.
Mà hình ảnh đặc trưng của sự thành công trong mắt tất cả chúng ta kiểu như: sinh con có nếp có tẻ, sự nghiệp vững chắc với chức vị được kính trọng, sống trong ngôi nhà đẹp, có thói quen khiến cuộc sống hạnh phúc, có các kỳ nghỉ vòng quanh thế giới.
Nhưng, thực tế, phải đến khi sắp kết thúc tuổi 29, tôi mới bắt đầu biết tôn trọng con người thật của mình, xuất phát từ việc tôi đặt ra câu hỏi tự vấn rằng: “Có phải những điều tôi theo đuổi là bản thân thực sự muốn? Hay tôi chỉ đang đi trên con đường lý tưởng người khác dẫn dắt, dựa trên các chuẩn mực văn hóa, xã hội, điều kiện gia đình?”
Tôi tự hỏi: “Sự nghiệp tôi tìm kiếm, nơi tôi chọn để sống, giá trị tôi tạo nên, có thật sự chứng minh tôi là ai? Tôi đang sống trong sự thật? Hay tôi chỉ là một phiên bản nhái của người mà tôi muốn trở thành?”
29 bài học cuộc sống đúc rút từ 29 năm cuộc đời
Các câu hỏi, những tri thức, sai lầm, hay những khám phá và thậm chí là cả những thất vọng trong suốt những năm qua đều gộp thành một chuyến phiêu lưu tự nhiên, đầy thú vị của cuộc đời tôi.
Nhiều bài học cuộc sống mà sau này, tôi có thể toàn tâm toàn ý nói rằng mình chưa bao giờ cảm thấy thoải mái hơn khi trở thành người như ngày hôm nay. Tôi thức dậy với niềm hân hoan đón chào những thử thách của ngày mới, tiếp tục học hỏi, để được truyền cảm hứng và trải nghiệm sự thú vị bất tận của cuộc sống.
Dưới đây là 29 bài học tôi đã đúc kết được trong những năm qua:
1. Học cách thoải mái với những thứ khó chịu. Mạo hiểm là nơi bùng lên sự kỳ diệu.
2. Đơn giản hóa: “Đừng để mọi thứ làm chủ chính mình” và “Hãy sống theo cách của mình” đã thể hiện được một triết lý vô cùng quý báu.
Sự tự do, khả năng đưa ra quyết định từ những lựa chọn có ý thức (so với những quyết định vì nghĩa vụ hay do vì sự nhất thời) là vô cùng quan trọng. Quá tuân theo chủ nghĩa duy vật đôi khi lại làm hỏng mọi thứ. Tâm trí phức tạp, mất bình tĩnh sẽ trở thành giới hạn của bản thân.
3. Tự hỏi bản thân một câu hỏi thật ý nghĩa, khi chúng ta thay đổi mối quan tâm và mục tiêu: “Mình đang cố thoát ra khỏi điều gì đó? Hay hướng tới một thứ gì?”
4. Tiếp xúc nhiều thứ khác nhau. Cách chúng ta sống, nơi chúng ta ở, là một góc nhỏ của thế giới rộng lớn ngoài kia. Vì vậy, đi du lịch, gặp gỡ người mới, mạo hiểm, khám phá, lạc đường, tìm thấy một cộng đồng và tìm thấy một cảm giác thân thuộc là những điều rất quan trọng. Các hoàn cảnh mới làm phong phú cuộc sống và ban cho chúng ta đặc quyền nhìn ngắm thế giới bằng một đôi mắt mới.
5. Các tình huống chúng ta liên tục nhìn thấy mình trong đó, có một bài học kinh nghiệm rút ra. Hãy xem xét bài học đó là gì rồi công nhận và bộc lộ những thay đổi. Những hoàn cảnh giống nhau chỉ lặp lại khi những hành vi cũ của chúng ta vẫn còn tồn tại trong cùng một vòng luẩn quẩn.
6. Mỉm cười. Nô đùa. Hãy yêu, yêu thương hết mình.
7. Suy nghĩ chỉ dùng đầu óc mà quên đi mất cơ thể và tâm hồn là hạn chế lớn. Tôi đã học được cách tôn trọng tất cả những góc cạnh cần cho sự hạng phúc: tâm trí, cơ thể, các mối quan hệ, tinh thần và tài chính. Tất cả những thứ này luôn đi kèm với nhau và là phần quan trọng trong sự tồn tại của chúng ta.
8. Bất kể thành tựu bạn đạt được là gì, dù bạn thành công đến đâu, thì cho đến lúc tâm trí và trái tim ta thực sự bình thản, sẽ luôn có những cuộc đuổi bắt tiếp theo. Sự hiểu biết của chúng ta về sự an toàn có thể lại ít an toàn hơn bản chất của nó. Rất đáng để đặt ra câu hỏi và khảo sát định nghĩa an toàn của chúng ta.
9. Hít thở. Tập ngồi thật thoải mái trong im lặng. Một nơi trú ẩn có thể giúp chúng ta trở nên tĩnh lặng, trầm ngâm và ngẫm nghĩ. Chúng ta khám phá bản thân một cách gần như trọn vẹn khi chúng ta xóa tan rào cản bên trong, xoa dịu tâm trí và nghe theo tiếng gọi con tim mình.
10. Tập buông bỏ. Hãy buông bỏ những lý tưởng, những khuôn mẫu cũ đã không còn phù hợp với chúng ta nữa, buông bỏ những cuộc tranh luận, những đức tin hạn hẹp, sự thừa thãi và những quy định cổ hủ.
Buông bỏ là một thói quen lành mạnh mà tôi muốn luyện tập kiên định và nghiêm túc. Buông bỏ cũng có nghĩa là tha thứ, bao gồm cả việc tha thứ cho bản thân mình. Sự tức giận làm mất thời gian và làm mờ đi sự tỉnh táo. Hãy giải phóng quá khứ: Biết ơn vì những điều đã xảy ra, đã dẫn dắt bạn. Và rồi, hãy để nó trôi qua.
11. Kiên nhẫn với bản thân. Tất cả những điều kỳ quặc, những điều không chắc chắn, những khía cạnh khiến bạn khác biệt, tất cả sẽ hợp thành một thể thống nhất hỗ trợ bạn. Thậm chí, nó còn có thể trở thành tài sản lớn nhất của bạn.
12. Cuộc sống sẽ trở nên nhạt nhòa khi chúng ta vội vã vượt qua mọi thứ. Hãy học cách chỉ làm một việc tại một thời điểm. Hãy chậm lại và để ý mọi thứ hơn. Có rất nhiều thứ ta cảm nhận được khi chú ý vào một điều gì đó. Những cảm nhận mà khi vội vã ta không bao giờ có được. Ta không chỉ nhận ra những nét đẹp tồn tại trong một công việc mà còn học được cách sống cho hiện tại là một sự đáp lại quý báu cho hạnh phúc, cho công việc và cho tình yêu.
13. Hình thành một thói quen, một nhịp điệu lặp lại mỗi ngày, đóng góp vào công cuộc rèn luyện sức khỏe của cuộc đời: Đi bộ cùng cún cưng, tham gia vào một lớp học zumba hằng tuần, tập yoga.
14. Theo đuổi tiền bạc sẽ chỉ làm cho nó chạy càng nhanh hơn. Nếu bạn không biết phải làm gì với tham vọng lớn hay không chắc chắn mục đích lớn lao của mình là gì, hãy hướng tới sự kiên nhẫn, chiêm nghiệm và từ bi. Hãy dành nhiều thời gian hơn để hiểu một người, thay vì suốt ngày chăm chú vào đống tài liệu. Có nhiều thứ đáng giá hơn là tích lũy tiền bạc và tài sản.
15. Stress gây ra đủ thứ bệnh tật. Ưu tiên một kế hoạch kiểm soát sự căng thẳng để cứu lấy chính mình.
16. Yêu bản thân trước. Chấp nhận bạn là ai và bạn đang ở vị trí nào, đây chính là khởi đầu cho bất cứ thay đổi nào bạn mong muốn. Chấp nhận là phương tiện của sự thay đổi.
17. Kỷ niệm. Chúng ta thường xuyên vội vàng đi từ thành tựu này sang thành tựu khác. Trong khi chúng ta đều biết rằng, khoảnh khắc này, kỳ tích này sẽ không bao giờ lặp lại. Hãy chúc mừng những kỷ niệm ấy.
18. Không có một cách sống nào cụ thể. Không có một khuôn mẫu, một con đường nhất định dẫn đến hạnh phúc. Không có hướng dẫn nào giúp bản thân trở nên khác biệt. Chúng ta không nên bị ảnh hưởng bởi các bộ phim, các câu chuyện hay một huyền thoại nào đó. Chúng ta không cần phải tuân thủ các lý tưởng xã hội, các chuẩn mực hay những mô tả về sự hoàn hảo mà chúng ta vẫn mường tượng. Hãy tìm con người thật của chính bạn, tìm con đường bạn muốn đi và nghe theo tiếng gọi của trái tim mình.
19. Bảo vệ quy luật của bạn, năng lượng của bạn, những thứ đang định hướng cuộc đời bạn. Những người chúng ta lựa chọn gần gũi rất quan trọng cho việc chúng ta sẽ trở thành người như thế nào.
20. Đặt niềm tin vào Vũ trụ, Đức Phật, Thượng Đế, thế giới vô hình, những thứ lớn lao hơn con người bạn. Có nhiều thứ tồn tại trên cõi đời này mà mắt thường không thể nhìn thấy. Đức tin sẽ dẫn lối chúng ta. Cuộc sống này quá lớn lao, quá bí ẩn và phức tạp để bước qua một mình.
21. Chúng ta là những sinh vật đa diện, phức tạp và vô hạn. Đừng ép bản thân phải quyết định phần nào mới thực sự là con người thật của mình, mỗi góc cạnh đều là một phần trong bạn.
22. Nói “không” là một kỹ năng quan trọng. Đó là cách giúp chúng ta bảo vệ tài nguyên quý giá nhất của mình: Thời gian và năng lượng. Ở độ tuổi 20, có một khoảng thời gian tôi lúc nào cũng áp dụng câu trả lời “có”. Có cho các cuộc gặp gỡ xã giao, có cho sự bận rộn, có cho những giờ phút vui vẻ, có cho những lời hứa không mang lại lợi ích cho tôi. Nhưng nếu nói “không” với ngần ấy thứ, tôi hoàn toàn có thể lấy lại những quãng thời gian ít ỏi còn lại trong ngày dài bận rộn và giữ cho bản thân chút sức lực cuối cùng.
23. Toàn bộ kinh nghiệm chính của chúng ta là sự hình thành của tư duy. Hãy trau dồi và nuôi dưỡng nội tâm của bạn.
24. Tắt tivi và đọc một cuốn sách làm giàu. Nhiều người thông minh đã làm như vậy để đạt được thành công trong sự nghiệp.
25. Chúng ta vừa là học trò vừa là thầy. Với mọi thử thách, con người và hoàn cảnh đi qua trong cuộc đời, chúng ta luôn cần phải học hỏi.
26. Mục đích là một cuộc khám phá nội tâm. Đừng nhìn vào những chỗ sai lệch bên ngoài bạn. Mục đích không bao giờ mất đi, vì thế không cần tìm cho bản thân mình. Chúng ta cần phải nhìn thấy chính mình: Hãy lấy hết dũng khí để nhìn thật sâu vào trong con người bạn.
27. Để trải nghiệm những niềm vui và yên bình thuần túy, chúng ta phải học cách trải nghiệm tất cả các cung bậc cảm xúc khác nhau để dựa vào nỗi sợ hãi, nắm lấy sự tổn thương.
28. Nghỉ ngơi là yếu tố quan trọng nhất để tối ưu hóa hoàn toàn năng lực của con người để hoạt động hiệu quả nhất có thể. Giấc ngủ là cách duy nhất để cơ thể chúng ta có thể khôi phục, lấp đầy và chống lại mọi sự suy nhược. Ngủ là biện pháp số một chữa lành và bảo vệ cơ thể chúng ta.
29. Phán xét là một sự lãng phí thời gian. So bì làm mờ mắt. Cả hai hành động đó sẽ rút cạn năng lượng của chúng ta. Mở rộng, phát triển, tước bỏ cái tôi bằng cách buông bỏ sự phán xét và so bì.
Bài học thấm thía nhất mà tôi nhận ra đó là: Chúng ta luôn có một sự lựa chọn, một cuộc sống ngắn ngủi và một chuỗi những khoảnh khắc vô thường nối tiếp nhau. Hãy lựa chọn sống cho hiện tại và làm cho mỗi khoảnh khắc đều trở nên đáng giá.
Theo Vân Trần
Theo Trí thức trẻ/Thinksimplenow.com