logo Đại học Mở Hà Nội
0919.240.116ehou@gvcn.vn

logo Đại học Mở Hà Nội

Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số

06:47 28/04/2021

Vừa qua nhân dịp kỉ niệm 20 năm ngày thành lập Hội khuyến học Việt Nam, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Khuyến học Việt Nam và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2016 với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số”.

Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm nay với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số” nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện và tìm kiếm thông tin, hình thành thói quen đọc sách góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.

Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số

Trong buổi lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Xây dựng xã hội học tập tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người học tâp suốt đời là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nghị quyết số 29/NQ-TW Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (Khóa XI) đã chỉ rõ một trong các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam là “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”.

Cũng theo ông thì: Xã hội học tập là một xã hội mà mọi người đều được học, cần phải học và tự giác học thường xuyên, học suốt đời. Mọi người được tiếp cận những cơ hội học tập thuận lợi và lấy tự học cùng với ý chí, nghị lực phấn đấu kiên trì của mỗi người là chính để đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt ngành nghề, trình độ, đều cho rằng học tập là nhu cầu của cuộc sống, luôn cần phải học và học suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc và mỗi người đều có trách nhiệm tham gia tạo ra cơ hội học tập cho người khác.

Trong xã hội học tập, các hình thức học tập rất phong phú, đa dạng và linh hoạt (học theo lớp, học trong trường chính quy, học ở ngoài nhà trường, học qua mạng, từ xa, học qua đồng nghiệp,…). Mà trong đó, đọc sách chính là một trong những hoạt động học phổ biến và có hiệu quả. Đọc sách giúp cho mọi người nâng cao hiểu biết, tiếp thu tri thức, tăng cường khả năng giao tiếp và hình thành những ước mơ, có những ý tưởng sáng tạo. Thanh niên đọc sách sẽ thu nhận được những kiến thức về cuộc sống, về khởi nghiệp. Thông qua đọc sách người nông dân sẽ thu nhận được những kiến thức về khoa học kỹ thuật để vận dụng những tri thức mới vào sản xuất và các hoạt động trong xã hội nhằm giảm nghèo, tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Văn hóa đọc là thành tựu của một quá trình tự giác của người đọc. Người đọc phải hướng đến sách như một nhu cầu tự thân để làm phong phú trí tuệ và tâm hồn mình, biết tôn trọng sách, tôn trọng những người sáng tạo nên sách để từ đó biết khai thác một cách đúng đắn những giá trị mà sách mang lại. Phát triển Văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nhân tố quyết định của sự phát triển bền vững và thành công.

Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời hàng năm là một hoạt động bổ ích nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng dân cư về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, đã được các địa phương tổ chức đồng bộ, rộng khắp trong cả nước với nhiều hoạt động cụ thể diễn ra trong suốt Tuần lễ.  Thông qua đó, đã huy động hàng triệu lượt người ở các độ tuổi, các tầng lớp xã hội khác nhau tham gia, góp phần giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống và thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập của Đảng và Nhà nước.


Có thể bạn quan tâm

Xem tất cả

ĐĂNG KÝ NGAY ĐỂ NHẬN TƯ VẤN

Loading...

Bài viết mới

Loading...