Làm sao phát triển đào tạo từ xa trong hệ thống giáo dục mở ở Việt Nam?
04:22 29/03/2021Tổng quan thông tin về Đào tạo từ xa hệ đại học
Hiện Việt Nam có 17 trường đại học đang thực hiện chương trình đào tạo đại học từ xa trình độ đại học trong tổng số 21 trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép.
Giáo dục mở và đào tạo đại học trực tuyến ngày nay đã trở thành một phần không thể tách rời của hệ thống giáo dục ở nhiều nước trên thế giới.
Ở nước ta, học đại học từ xa đã triển khai được gần 25 năm và góp phần đáng kể vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân.
Với kinh nghiệm tổ chức và quản lý đào tạo từ xa của Đại học Mở Hà Nội, Phó giáo sư Nguyễn Mai Hương (Đại học Mở Hà Nội) đề cập một số vấn đề thực tiễn về đào tạo từ xa trong hệ thống các cơ sở giáo dục mở ở Việt Nam.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Mai Hương, đào tạo từ xa là một quá trình đào tạo, trong đó phần lớn có sự giãn cách giữa người dạy và người học về mặt không gian và thời gian.
Người học theo hình thức đào tạo từ xa chủ yếu tự học qua học liệu như giáo trình, băng hình, băng tiếng, đĩa CD-ROM, phần mềm vi tính, bằng việc sử dụng các phương tiện nghe – nhìn cá nhân, phát thanh, truyền hình, các tổ hợp truyền thông đa phương tiện, mạng Internet dưới sự tổ chức, trợ giúp của nhà trường.
Hiện nay, Việt Nam có 17 trường đại học đang thực hiện chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học trong tổng số 21 trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép.
Đối tượng sinh viên theo học đại học online phần lớn là những người chưa có điều kiện học đại học chính quy; nhiều người ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa; các địa phương có nhu cầu nâng cao trình độ, hoàn thiện văn bằng và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động cho cán bộ, người dân.
Tại các tỉnh, thành phố lớn, đối tượng tuyển sinh đào tạo từ xa đa số là những người đã có 1 bằng đại học chính quy muốn học văn bằng 2 hoặc những người đã có việc làm muốn học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ cho công việc.
Hiện nay phương thức đào tạo chính trong đào tạo từ xa mà các trường đại học mở đang áp dụng là:
- Phương thức đào tạo từ xa truyền thống (hay còn gọi là đào tạo trực tiếp): Người học chủ yếu tự học qua hệ thống học liệu (gồm giáo trình và tài liệu hướng dẫn tự học) được các trường biên soạn, kết hợp với việc nghe bài giảng trên sóng phát thanh (hoặc nghe qua đĩa CD…). Người học có thể thực hiện việc học vào thời gian thuận tiện nhất. Sau đó người học sẽ được giảng viên hướng dẫn trực tiếp trên lớp trước khi kết thúc môn học.
- Phương thức đào tạo từ xa qua công nghệ trực tuyến (E-Learning): Đây là một phương thức đào tạo tiên tiến và có rất nhiều lợi ích, nhất là trong điều kiện về hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin phát triển như hiện nay thì những ưu thế của phương thức này ngày càng được khẳng định,
Phương thức này hướng tới việc cung cấp khả năng học tập mọi nơi, mọi lúc trên máy tính cá nhân và thiết bị di động thông minh có kết nối Internet.
Trong những năm qua, hệ thống đào tạo từ xa đã góp phần tích cực trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ cho các địa phương.
Tuy nhiên, đào tạo đại học từ xa của Việt Nam đang gặp những thách thức rất nghiêm trọng, điều đó được thể hiện qua số lượng tuyển sinh của các trường có đào tạo từ xa trên cả nước giảm rất mạnh nhiều năm liền. Điều này trái ngược với xu thế chung của khu vực và thế giới.
Nhìn nhận thấy một số rào cản dẫn tới những khó khăn, thách thức mà các trường đại học có đào tạo từ xa đang gặp phải hiện nay, Phó giáo sư Nguyễn Mai Hương đã đề xuất một số giải pháp phát triển giáo dục mở và đào tạo từ xa ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Thứ nhất, tăng cường quy mô đào tạo đào tạo từ xa góp phần giải quyết bài toán nâng cao dân trí và đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội.
Công tác tuyển sinh theo tiếp cận đến cá nhân người học để nắm bắt, tư vấn cho mỗi người học tham gia chương trình đào tạo từ xa phù hợp nhất.
Để hướng đến cá nhân hoá trong công tác tuyển sinh, các cơ sở đào tạo cần phải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội, các hệ thống truyền thông đa dạng;
Xây dựng quy trình tuyển sinh hiện đại với hệ thống phần mềm quản lý trực tuyến có khả năng kết nối giữa cá nhân người học, nhà trường và cơ sở đại phương với mạng lưới công tác viên tuyển sinh rộng rãi, mọi cán bộ giảng viên trong và ngoài Nhà trường – tại các cơ sở liên kết, thậm chí cả sinh viên đang học và cựu sinh viên, sau khi đã được tập huấn đều có thể tham gia vào quy trình tuyển sinh đào tạo từ xa.
Thứ hai, cùng với định hướng phát triển quy mô đào tạo từ xa, chất lượng là vấn đề quan tâm hàng đầu nhằm phát triển bền vững một hình thức đào tạo.
Do đó, cần đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo chất lượng đào tạo từ xa trên cơ sở xây dựng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí, một công cụ đo lường chất lượng trong giáo dục.
Đào tạo từ xa của Việt Nam nằm trong hệ thống đào tạo từ xa của các trường Đại học Mở trong khu vực, do vậy vận dụng khung đảm bảo chất lượng chung cho đào tạo từ xa ở các nước châu Á do Hiệp hội các trường đại học Mở châu Á (AAOU) và bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN- QA).
Thứ ba, xây dựng hệ thống học liệu phù hợp với từng phương thức đào tạo từ xa nhằm trang bị cho người học những công cụ hữu ích, đầy đủ nhất phục vụ việc tự học tập và nghiên cứu.
Học liệu trong đào tạo từ xa rất đa dạng. Theo đó, bên cạnh học liệu in ấn thì còn ở các dạng học liệu khác như: đĩa hình, đĩa tiếng, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, học liệu điện tử, tài liệu hướng dẫn học, câu hỏi tình huống, hệ thống bài tập tương tác trên máy.
Phát triển học liệu cho đào tạo từ xa không chỉ quan tâm đến xây dựng nội dung mà cần quan tâm đến phát triển ý tưởng, kịch bản cho từng hình thức học liệu và cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ truyền tải hiện đại. Đây là những tiêu chí không thể thiếu khi kiểm định chất lượng học liệu từ xa.
Thứ tư, phát triển công nghệ hiện đại trong đào tạo từ xa. Công nghệ này bao gồm 3 yếu tố cơ bản, đó là: cơ sở hạ tầng, hệ thống học liệu và hệ thống công cụ đánh giá.
Trước thách thức công nghệ truyền thông – tin học phát triển mạnh mẽ như hiện nay, công nghệ đào tạo từ xa còn phải kết hợp ứng dụng được công nghệ hiện đại, sử dụng các công nghệ đào tạo E-learning, Mobile – learning và tiến tới hình thành trường đại học ảo (cyber university).
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để xây dựng môi trường học tập có tính tương tác cao, kết nối giữa người dạy với người học, người học với người học và kết nối việc học với thực tiễn.
Đẩy mạnh phát triển công nghệ đào tạo từ xa qua mạng bao gồm các hệ thống quản lý học tập (LMS), quản lý nội dung học tập (LCMS) và phương tiện kỹ thuật, công nghệ (phần cứng), các phần mềm mô phỏng phục vụ quá trình đào tạo, bồi dưỡng… đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học trong thời đại số.
Thứ năm, phát triển đội ngũ giảng viên, cố vấn học tập góp phần nâng cao chất lượng trong đào tạo từ xa. Đội ngũ giảng viên tham gia có vai trò chủ yếu là hướng dẫn người học.
Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy trực tuyến ngoài việc đảm bảo yêu cầu về trình độ chuyên môn còn phải có kỹ năng giảng dạy trên công nghệ đào tạo trực tuyến.