logo Đại học Mở Hà Nội
0919.240.116ehou@gvcn.vn

logo Đại học Mở Hà Nội

Đào tạo trực tuyến – kinh nghiệm của Đại học Mở Hà Nội

04:25 26/03/2021

Phương thức Đào tạo trực tuyến là một thuật ngữ dùng để mô tả việc học tập, đào tạo dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông. Sự ra đời của E-learning đã đánh dấu bước ngoặt mới trong việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Hiện nay, có hai hình thức giao tiếp giữa người dạy và người học là giao tiếp đồng bộ (Synchronous) và giao tiếp không đồng bộ (Asynchronous):

Giao tiếp đồng bộ (Synchronous): Là hình thức giao tiếp trong đó tại cùng một thời điểm có nhiều người truy cập mạng và trao đổi thông tin trực tiếp với nhau: thảo luận trực tuyến, hội thảo video, nghe đài hoặc xem tivi phát sóng trực tiếp… Môi trường dạy – học này sử dụng các công nghệ hội thoại truyền hình giúp tạo ra một môi trường lớp học ảo, trong đó giảng viên không cần phải di chuyển tới địa phương mà vẫn có thể gặp mặt, trao đổi trực tiếp với các học viên thông qua lớp học ảo để tổ chức dạy học.

Việc giảng dạy sẽ được tổ chức trong các Studio, có thể có người học tham gia hoặc không, tuỳ thuộc vào phương pháp dạy học của giảng viên, nội dung được phát đi thông qua hệ thống công nghệ. Người học cũng không cần phải tới các địa điểm học tập trung mà chỉ cần quan tâm tới thời gian và có thể tham gia học tập từ bất kỳ địa điểm nào, chỉ cần có đủ các thiết bị để kết nối như máy tính cá nhân hay các thiết bị di động.

Việc học tập không chỉ là xem mà người học có thể giơ tay xin phát biểu, và hình ảnh, âm thanh của người học sẽ được truyền tới giảng viên cũng như tất cả các người học khác. Các lớp học kiểu này có thể hỗ trợ cả việc tiến hành làm các bài kiểm tra trắc nghiệm, hoặc lấy kết quả khảo sát và có thống kê ngay để phục vụ việc giảng dạy, đánh giá. Toàn bộ nội dung buổi học có thể được ghi lại dưới dạng Video và sau đó phát lại trên các hệ thống LMS để những người không thể tham gia buổi học trực tiếp xem lại.

Giao tiếp không đồng bộ (Asynchronous): Là hình thức mà những người giao tiếp không nhất thiết phải truy cập mạng tại cùng một thời điểm; ví dụ như: các khóa tự học qua Internet, CD-ROM, e-mail, diễn đàn.

Người học cũng tiến hành làm các bài tập, các bài tự kiểm tra có kết quả ngay để tự đánh giá mức độ nhận thức của mình, nghiên cứu các bài tập tình huống được người dạy chuẩn bị trước để đào sâu suy nghĩ và nhận thức của môn học, đưa môn học thành tri thức của mình. Hình thức học tập linh hoạt cao về thời gian giúp cho người học có thể tự lựa chọn thời gian phù hợp cho mình để học tập mà không bị ảnh hưởng quá lớn tới các kế hoạch khác của mình như công việc, gia đình.

Học tập trực tuyến hay học tập trên mạng ra đời nhằm tạo ra yếu tố giao tiếp hai chiều giữa học viên với giáo viên – “ảo” và trao đổi với các bạn học – “ảo” qua mạng máy tính hoặc Internet. Học tập trực tuyến còn có tác dụng kích thích ý thức tự học của học viên, hỗ trợ học viên tiếp cận với nguồn thông tin phong phú hơn rất nhiều so với bài giảng trên lớp của giáo viên. Tuy mới ra đời không lâu, nhưng đến nay dạy học trực tuyến đã là một loại hình học tập rất phổ biến trên toàn thế giới, không những chỉ có tác dụng hỗ trợ cho học viên tự học, học viên đào tạo từ xa mà còn rất bổ ích cho việc học tập trên lớp theo loại hình đào tạo truyền thống.

Mô hình triển khai tại Đại Học Mở Hà Nội

Để đáp ứng tốt nhất cho việc triển khai phương thức đào tạo E-Learning phù hợp với môi trường Việt Nam, Đại học Mở Hà Nội lựa chọn mô hình người học làm trung tâm với các thành phần:

– Học liệu: Hệ thống học liệu điện tử phục vụ cho việc tự học và tự luyện tập của người học.

– Giảng viên: Đây là một yếu tố rất quan trọng đối với người học, các giảng viên sẽ đóng vai trò là người dẫn đường, giúp đỡ người học vượt qua những khó khăn trong quá trình tự học của mình.

– Hỗ trợ: Là sự hỗ trợ về nhiều khía cạnh ngoài yếu tố chuyên môn, như hỗ trợ kỹ thuật, giúp đỡ người học trong quá trình kết nối với giảng viên hay các người học khác.

– Giám sát: Người học tự học có rất nhiều yếu tố có thể gây ra sự mất tập trung vào quá trình học tập, việc giám sát sẽ giúp đỡ người học có thể lấy lại được sự tập trung, cũng như đảm bảo tính công bằng trong quá trình học tập theo phương thức này.

– Đánh giá: Vì quá trình học là tự học, nên việc xây dựng một hệ thống đánh giá chính xác, đảm bảo tính khách quan là điều rất cần thiết.

– Công nghệ: Đây là thành phần không thể thiếu, giúp tạo ra một môi trường cho phương thức đào tạo eLearning này.

Số hoá tài liệu (học liệu điện tử)

Đối với phương thức eLearning, thì hệ thống học liệu là điều kiện cơ bản nhất, Đại học Mở Hà Nội đã huy động gần 2000 giảng viên và cán bộ tham gia công tác xây dựng học liệu điện tử cho người học, theo nhiều hình thức khác nhau để nhằm phục vụ các mục đích khác nhau, điều kiện khác nhau của người học. Hiện nay, trên hệ thống của chúng tôi đang có hơn gần 1.500 học liệu với các định dạng khác nhau phục vụ cho đào tạo trực tuyến của trường, mỗi loại tài liệu cần tới các quy trình số hóa khác nhau để đảm bảo phù hợp với mục đích sử dụng, như Text, Audio, Video, Slide trình chiếu, Rich Media, Hệ thống các câu hỏi trắc nghiệm, Hệ thống các bài tập tự luận, Hệ thống tài liệu tham khảo.

Tổ chức đào tạo trực tuyến tại Đại học Mở Hà Nội

Để có được các kết quả tốt nhất trong đào tạo trực tuyến, Đại học Mở Hà Nội triển khai nhiều công việc với nhiều giai đoạn:

Xây dựng chương trình đào tạo: Các Khoa đề xuất và tổ chức xây dựng chương trình đào tạo theo quy định, bám sát các tiêu chuẩn đầu ra của ngành. Các đề cương môn học được phản biện bởi các chuyên gia, doanh nghiệp để đảm bảo tính thực tiễn và gắn với nhu cầu của xã hội. Với chương trình đào tạo ứng dụng phương thức trực tuyến, các chương trình cũng được lựa chọn để đảm bảo nội dung trong chương trình có thể truyền đạt tốt thông qua các điều kiện cụ thể của nhà trường. Cho đến nay, Viện ĐH Mở Hà Nội đã xây dựng và cung cấp khóa học đại học trực tuyến cho 6 ngành đào tạo là: Công nghệ Thông tin, Luật, Kế toán, Quản trị Kinh doanh, Tiếng Anh và Tài chính Ngân hàng.

Xác định quy trình tổ chức đào tạo: Các quy trình tổ chức đào tạo được xác định có sự phối hợp chặt chẽ giữa việc ứng dụng công nghệ thông tin và con người, đặt rõ vai trò của hệ thống công nghệ thông tun cũng như của từng cá nhân khi làm việc với hệ thống. Các quy trình bao gồm hết các hoạt động trong việc tổ chức đào tạo như tuyển sinh, nhập học, xếp lớp, tổ chức khóa học, đánh giá học viên, tổ chức thi hết học phần, tổ chức thi tốt nghiệp…

Xây dựng nội dung, số hóa tài liệu: Đây là công việc quan trọng nhất trong quá trình tổ chức đào tạo trực tuyến, vì học liệu điện tử trong học trực tuyến có vai trò như người thầy, dẫn dắt và truyền đạt các nội dung kiến thức trên cơ sở một kịch bản cho trước. Đa phần thời gian của người học trực tuyến là tự học với hệ thống học liệu điện tử, nội dung của các học liệu cùng một học phần cũng phải có sự liên kết chặt chẽ, bổ trợ lẫn nhau. Để đảm bảo được chất lượng của các học liệu, Viện ĐH Mở Hà Nội đã xác định các tiêu chuẩn của các học liệu điện tử (các nội dung số hóa) sử dụng trong Viện và xây dựng quy trình sản xuất học liệu với sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau.

Xây dựng hệ thống công nghệ: Từ năm 2013, Đại học Mở Hà Nội đầu tư nghiên cứu CNTT hiện đại để phát triển hệ thống công nghệ đào tạo trực tuyến phục vụ hoạt động đào tạo trình độ đại học và khóa đào tạo bồi dưỡng bằng phương thức đào tạo trực tuyến E-learning.

Để đáp ứng các hoạt động đào tạo một cách hoàn chỉnh thông qua công nghệ E-learning, nhà trường đã triển khai hệ thống bao gồm các thiết bị phần cứng và phần mềm tích hợp là Hệ thống quản lý học tập (LMS) – Hệ thống quản lý các hoạt động học tập của sinh viên.

Tổ chức tuyển sinh, đào tạo: Tổ chức tuyển sinh và đào tạo trên hệ thống theo các quy trình đã được xây dựng. Để thực hiện tốt công việc này, cần có các kế hoạch được xây dựng chi tiết, giúp cho việc khai thác hiệu quả hơn hệ thống công nghệ và có khả năng sử dụng chung các tài nguyên của nhà trường.

Hiện nay, Viện ĐH Mở Hà Nội sử dụng phương thức phối hợp cả đào tạo trực tuyến đồng bộ và không đồng bộ, vai trò của giảng viên cũng được đánh giá cao với việc tham gia các lớp học ảo trực tuyến, trả lời các thắc mắc của người học cũng như định hướng nội dung khóa học cho người học.

Để hỗ trợ sinh viên tự học tốt hơn, chúng tôi cũng vẫn tổ chức mô hình lớp và phân các nhóm học tập, theo đó các nhóm sẽ có trách nhiệm học tập cùng nhau, trao đổi thảo luận định kỳ và cùng nhau giải quyết các nhiệm vụ học tập được giao.

Tổ chức đánh giá: Đây là một trong những công việc quan trọng cần được thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng của hệ thống đào tạo trực tuyến. Hiện nay, do Đại học Mở Hà Nội cung cấp các khóa học cấp bằng đại học, nên việc đánh giá người học tuân thủ theo các quy định, quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó toàn bộ hoạt động của người học đều được hệ thống ghi nhận và từ đó làm cơ sở cho các đánh giá quá trình tham gia học tập của người học. Các cán bộ có trách nhiệm theo dõi quá trình và nhắc nhở, động viên người học khi cần thiết cũng là một yếu tố quan trọng giúp cho người học duy trì được chất lượng trong quá trình tự học của mình.

Với phương thức đào tạo này, tại ĐH Mở Hà Nội, việc đánh giá kết quả thường có phần khắt khe hơn khi đưa vào rất nhiều các yếu tố để đánh giá kết quả học tập của một người học: số lần đăng nhập, thời lượng học trên hệ thống, tần suất học tập trên hệ thống, kết quả thực hiện các hoạt động học tập (các bài luyện tập, các bài tập tự luận…), tần suất thực hiện các hoạt động khác, các bài kiểm tra giữa kỳ, điểm bài thi kết thúc học phần.

Các bài tập dạng trắc nghiệm sẽ được chấm một cách tự động trên hệ thống công nghệ, còn các bài tự luận có thể được tiến hành bởi các giảng viên chuyên môn hoặc sử dụng phương pháp bình duyệt (peer review), tức là bài của một người học được gửi tới cho một số người học khác đọc và nhận xét. Điều này giúp tăng cường khả năng tư duy Đánh giá & Phân tích của những người tham gia đánh giá.Việc thi cuối kỳ được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm khách quan và chấm tự động bằng máy tính, đảm bảo tính công bằng, chính xác cao.

Tiếp nhận phản hồi, hoàn thiện các quy trình và hệ thống: Mọi hệ thống muốn có thể hoạt động tốt trong thời gian dài thì không thể bỏ qua được công việc tiếp nhận phản hồi và hoàn thiện. Nhận thức được điều này, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức lấy ý kiến và đối thoại với người học, tiếp nhận các yêu cầu của cán bộ sử dụng phần mềm để từ đó đưa ra các cải thiện cho hệ thống, nhằm đáp ứng khả năng phục vụ tốt hơn.


Có thể bạn quan tâm

Xem tất cả

ĐĂNG KÝ NGAY ĐỂ NHẬN TƯ VẤN

Loading...

Bài viết mới

Loading...