Chuyên gia tài chính chỉ cách để không phải lo lắng chuyện tiền nong
07:19 06/04/2021Trong một chương trình mới đây, chuyên gia tài chính Lê Hoài Ân khẳng định, để không bao giờ lo lắng về chuyện tiền nong, các bạn phải dùng 1 nửa thu nhập của mình để tiết kiệm ngay từ khi còn rất trẻ.
Mục lục
Làm sao mua được nhà mà không phải vay nợ?
Theo ông Lê Hoài Ân, cách duy nhất để mua được nhà mà không phải vay ngân hàng khi ở tuổi đời còn trẻ là phải tiết kiệm. Thay vì mua nhà trước thì có thể đầu tư trước mua nhà sau. Chẳng hạn, muốn mua 1 căn nhà 1,2 tỉ đồng mà không vay ngân hàng thì năm 22 tuổi phải lập kế hoạch tiết kiệm. Mỗi tháng bỏ 4 triệu đồng vào 1 danh mục đầu tư với mức sinh lời của thị trường là 15% thì tới năm 35 tuổi sẽ mua được nhà 1,2 tỉ đồng mà không cần vay đồng nào cả.
Ông Ân chia sẻ, đi vay để mua nhà hay mua bất cứ tài sản nào khiến tâm lý rất nặng nề. Nhiều bạn trẻ làm ở ngân hàng hay vay nợ ngân hàng. Nếu đã vay thì làm sao mà nhảy việc ở ngân hàng được. Điều này dẫn đến hệ lụy là bản thân mất cơ hội tăng năng lực bản thân, tăng trưởng thu nhập và mất nhiều cơ hội khác tốt hơn.
“Nhiều bạn trẻ cho rằng, thu nhập chưa đủ xài thì tiết kiệm kiểu gì. Thực tế, khi đã lên kế hoạch tiết kiệm thì phải có gánh nặng để phấn đấu. Chẳng hạn như gánh nặng mua nhà, mua xe, con cái…”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Theo ông Ân, hiện nay rất nhiều bạn trẻ làm đến đâu tiêu xài đến đó. Thu nhập càng cao tiêu xài càng cao. Nhưng nếu đi vào khuôn khổ các bạn sẽ tính toán là: Khi thu nhập càng cao thì phần ăn, tiền nhà thuê không tăng tương ứng. Chi phí tăng là giải trí nhưng chi phí này lại rất dễ cắt. Do đó, nếu thu nhập 15 triệu đồng/tháng thì nên để dành 50% số đó để tiết kiệm.
Tiết kiệm để đầu tư. Tiền sinh ra tiền. Chuyên gia này cho rằng, giữa các kênh đầu tư như vàng, trái phiếu, cổ phiếu thì khi còn trẻ nên đầu tư vào cổ phiếu vì thanh khoản và lợi nhuận cao, phù hợp với đầu tư ngắn hạn; còn về già, có thể chọn kênh gửi tiết kiệm ngân hàng. “Trong các kênh, vàng có mức sinh lời thấp, chỉ có mức tăng cao khi có biến động về chính trị”, chuyên gia này khuyến cáo.
Phương pháp đầu tư Robinson được chuyên gia này tiết lộ, cứ tưởng tượng Robinson mua cổ phiếu của Việt Nam với mức 1.000 đô, sau đó bị lạc vào đảo hoang, sau 18 năm quay về, mức này đã tăng lên gấp 10 lần. Nghĩa là, theo ông Ân khi đã có khoản tiền nhàn rỗi hãy bỏ vào 1 kênh để đầu tư nhất định và chờ đợi nó tăng trưởng. Tiền sẽ tự sinh ra tiền.
Người giàu trên thế giới tiết kiệm như thế nào để đầu tư?
Theo thống kê trong khuôn khổ chương trình, có 41% trên 177% triệu phú tự thân sinh ra trong nghèo khó. Yếu tố giúp họ vươn lên chính là thay đổi thói quen hàng ngày. Cụ thể:
Triệu phú Anna Haotanto (Singapore) trưởng thành trong cảnh nợ nần của gia đình. 21 tuổi cô lên kế hoạch phải giàu có và lập kế hoạch tài chính. Anna chỉ gói gọn chi tiêu cá nhân 75 USD/tuần và nghỉ mát 1 lần trong năm; sử dụng tiền tiết kiệm để đầu tư.
Triệu phú Anton Ivanov của Mỹ đặt mục tiêu phải giàu có năm 16 tuổi và đã lập tài khoản tiết kiệm từ rất sớm, học đại học từ xa, lấy tiền lương để đầu tư BĐS và chứng khoán. Quan điểm của anh là: Đầu tư mạnh hơn nữa khi thị trường chạm đáy. Từ khi còn trẻ Ivanov đã tiết kiệm dc 1 triệu USD năm 27 tuổi.
Anton Ivanov trở thành triệu phú năm 27 tuổi nhờ tiết kiệm
Triệu phú David Bach bắt đầu đầu tư từ rất sớm. Ông mua cổ phiếu đầu tiên của mình lúc 7 tuổi. Ở độ tuổi 20 ông trích 1% thu nhập cho vào khoản tiết kiệm sau đó tăng lên 20% và duy trì con số đó đến hôm nay. Để không bao giờ phải lo lắng về tiền bạc ông dùng tiền công kiếm được từ 1 giờ làm việc ngày hôm đó bỏ vào tài khoản tiết kiệm. Khoản tiết kiệm này chính là nguồn vốn đầu tư của David Bach.
Tỷ phú Warren Buffett: Khuyên các bạn trẻ làm giàu một cách chậm rãi không hề khó. Nên mua cổ phiếu ở các công ty làm ăn tốt, làm ăn sinh lời thì chúng sẽ tiếp tục phá triển tài sản của mình trong vòng 10 hay 20 năm sau đó. Theo vị tỉ phú này, trong cách đầu tư, tính kiên nhẫn luôn đặt lên hàng đầu.
Theo ông Lê Hoài Ân, kỹ năng mà các bạn trẻ cần chuẩn bị để tham gia đầu tư là đọc báo cáo tài chính, hiểu tâm lý thị trường, hiểu các chỉ số vĩ mô. Đặc biệt, tùy vào thời điểm đầu tư mà chọn phương pháp đầu tư phù hợp.