10 chứng chỉ nhập môn tốt nhất cho sinh viên công nghệ thông tin
08:32 03/03/2021Ngành công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những ngành cần nguồn nhân sự chất lượng cao. Ngoài việc học các chương trình ở trường, thì việc sở hữu chứng chỉ CNTT sẽ giúp bạn có nhiều cơ họi tìm việc hơn. Vậy các chứng chỉ đó là gì?
Nội dung bài viết
1. Chứng chỉ Cisco Certified Entry Networking Technician (CCENT)
Có chứng chỉ CCENT trong tay đồng nghĩa với việc bạn có thể cài đặt, vận hành và khắc phục sự cố mạng của các chi nhánh doanh nghiệp, các công ty nhỏ. Vì thế, bạn nên thi CCENT khi muốn được tuyển vào vị trí chuyên viên hỗ trợ mạng hoặc muốn gắn vó sự nghiệp với ngành vận hành hệ thống mạng.
Để được cấp CCENT, bạn phải hoàn thành khóa học Interconnecting Cisco Networking Devices Part 1 (ICND1). Đây là khóa học 5 ngày, diễn ra trực tuyến hoặc trực tiếp, bao gồm các nguyên tắc cơ bản của các lớp trong mạng lưới liên quan tới routing và switching. Khóa học cũng bao gồm các kiến thức liên quan tới tường lửa, an ninh mạng cơ bản, bộ điều khiển không dây và các access point.
Khi hoàn thành khóa học, bạn sẽ được tham gia kỳ thi cấp chứng chỉ CCENT.
2. Chứng chỉ Cisco Certified Technician (CCT)
Chứng chỉ CCT xác nhận bạn có khả năng chẩn đoán, khôi phục, sửa chữa và thay thế các thiết bị hệ thống và mạng quan trọng của Cisco tại cơ sở của khách hàng (doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước). Chứng chỉ CCT có hai loại khác nhau: trung tâm dữ liệu (data center) hoặc routing and switching.
Chứng chỉ CCT Data Center được trao cho các kỹ sư có thể hỗ trợ và bảo trì các hệ thống cũng như máy chủ Cisco Unified Computing. Công việc của kỹ sư CCT Data Center là tới hiện trường để thao tác trực tiếp với hệ thống thiết bị và phần mềm trung tâm dữ liệu của Cisco.
Bạn phải tham gia khóa học Supporting Cisco Data Center System Devices (DCTECH) v2.0 trước khi có thể thi chứng chỉ CCT Data Center. Khóa học bao gồm các nguyên tắc cơ bản về mạng trung tâm dữ liệu, dịch vụ hiện trường và thay thế thiết bị cũng như cách xác định các mô hình thành phần Cisco Unified Computing System (UCS), cáp và giao diện phụ kiện.
Trong khi đó, chứng chỉ CCT Routing and Switching chứng nhận bạn có khả năng hỗ trợ và bảo trì các router, switch của Cisco tại hiện trường. Ngoài ra, bạn cần phải biết đánh giá môi trường hoạt động để đưa ra cải tiến tốt nhất, tránh hỏng hóc thiết bị. Các kỹ sư CCT Routing and Switching sẽ phải hỗ trợ kỹ thuật ngay tại hiện trường và hợp tác với cả các kỹ sư CCT Data Center.
Để tham gia thi CCT Routing and Switching, trước tiên bạn cần hoàn thành khóa học Supporting Cisco Routing and Switching Network Devices (RSTECH). Khóa học trực tuyến này bao gồm các nguyên tắc cơ bản về mạng, các model switch và router của Cisco, các chế độ hoạt động của phần mềm Cisco IOS và giao diện dòng lệnh Cisco (CLI).
Lệ phí thi: 125 USD cho mỗi chứng chỉ CCT
3. Chứng chỉ Cisco Certified Network Associate (CCNA) Routing & Switching
Chứng chỉ CCNA Routing & Switching là sự lựa chọn tuyệt vời cho những ai muốn gắn bó với ngành hệ thống mạng. Tuy nhiên, nó cũng hợp lý với những ai muốn xin việc vào vị trí help desk cơ bản. Bài test của chứng chỉ này kiểm tra khả năng xác định các model router và switch, cáp và giao diện Cisco của bạn. Ngoài ra, bạn cũng cần phải hiểu về các chế độ hoạt động của phần mềm Cisco IOS và Cisco CLI.
Đương nhiên, trước khi thi CCNA Routing & Switching bạn cần phải tham gia khóa học Supporting Cisco Routing and Switching Network Devices. Khóa học tổ chức trực tuyến, bao gồm tối đa 6 tiếng đào tạo theo yêu cầu và bạn có thể học trong tối đa 1 năm.
Lệ phí thi: 299 USD
4. Chứng chỉ CompTIA IT Fundamentals+ (ITF+)
Chứng chỉ ITF+ dành cho những sinh viên muốn gắn bó với ngành CNTT sau khi tốt nghiệp hoặc những ai đang quan tâm tới việc chuyển ngành. Chứng chỉ này xác nhận bạn có kiến thức nền tảng về CNTT và cho bạn biết rõ hơn về môi trường làm việc của ngành CNTT.
Trong kỳ thi, bạn sẽ phải thể hiện kiến thức về mạng, cơ sở hạ tầng, các khái niệm và thuật ngữ CNTT, ứng dụng và phần mềm, bảo mật, cơ sở dữ liệu và phát triển phần mềm. Bạn cũng có thể lấy các chứng chỉ CompTIA cao cấp hơn tùy theo nhu cầu của bản thân.
Lệ phí thi: 119 USD
5. Chứng chỉ CompTIA A+
Chứng chỉ CompTIA A+ dành cho các chuyên gia hỗ trợ, kỹ thuật viên dịch vụ hiện trường, nhà phân tích hỗ trợ máy tính và hỗ trợ help desk. Nếu có hứng thú với một trong những lĩnh vực trên, bạn nên kiếm cho mình chứng chỉ CompTIA A+.
Với CompTIA A+, bạn được chứng nhận khả năng tìm hiểu và giải quyết các sự cố mạng, hệ điều hành, thiết bị di động và bảo mật. Chứng chỉ tập trung vào 9 kỹ năng CNTT chính bao gồm phần cứng, mạng, thiết bị di động, hệ điều hành Windows, xử lý sự cố phần cứng và mạng, công nghệ hệ điều hành, xử lý sự cố phần mềm, bảo mật và quy trình vận hành.
Lệ phí thi: 211 USD
6. Chứng chỉ CompTIA Network+
CompTIA Network+ là chứng chỉ cấp độ nhập môn bao gồm các khái niệm mạng, xử lý sự cố, hoạt động, công cụ và bảo mật cũng như hạ tầng CNTT. Chứng chỉ được thiết kế cho các quản trị viên mạng mới vào nghề, kỹ thuật viên mạng hiện trường, kỹ sư hệ thống học việc, tư vấn viên CNTT và kỹ sư mạng hiện trường.
Để thi chứng chỉ CompTIA Network+ bạn cần có kiến thức về cấu hình, quản lý và bảo trì các thiết bị mạng, triển khai và thiết kế các mạng chức năng, xác định và khắc phục sự cố mạng, bảo mật. Nếu quyết định gắn bó với ngành hệ thống mạng CNTT, CompTIA Network+ là chứng chỉ đáng để bạn đầu tư, nó sẽ giúp bạn nổi trội hơn so với các ứng viên khác.
Lệ phí thi: 302 USD
7. Chứng chỉ CompTIA Security+
Bảo mật là một kỹ năng CNTT quan trọng với bất cứ vai trò nào, ví thế, bạn sẽ rất được ưu tiên trong số các ứng viên nếu có trong tay chứng chỉ CompTIA Security+. Nó cũng phù hợp với những bạn muốn theo đuổi vị trí quản trị viên mạng, hệ thống và bảo mật, chuyên gia bảo mật, kiểm toán viên CNTT sơ cấp, tư vấn bảo mật và kỹ sư bảo mật.
Bài kiểm tra chứng chỉ CompTIA Security+ sẽ bao gồm kiến thức về các mối đe dọa, tấn công và lỗ hổng, quản trị rủi ro, kiến trúc và thiết kế, công nghệ và công cụ, mã hóa và PKI, nhận dạng và quản lý truy cập. Với chứng chỉ CompTIA Security+, nhà tuyển dụng sẽ biết bạn có khả năng cài đặt và cấu hình hệ thống để giữ an toàn cho ứng dụng, mạng và thiết bị ở mức cơ bản.
Lệ phí thi: 330 USD
8. Chứng chỉ Microsoft Technology Associate (MTA)
Chứng chỉ MTA bao gồm các nguyên tắc cơ bản về CNTT như cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu và phát triển. Nó được Microsoft thiết kế để trở thành chứng chỉ cấp cơ bản cho những người mới vào nghề CNTT hoặc cho những ai muốn thay đổi nghề nghiệp.
Để qua bài thi MTA, bạn cần kiến thức về cơ sở dữ liệu, phần cứng, phần mềm hoặc cơ sở hạ tầng. Đây là những gì bạn cần biết nếu muốn làm việc với tư cách Kiểm toán viên CNTT hoặc quản trị viên hệ thống, mạng, bảo mật.
Lệ phí thi: Tùy thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ
9. Chứng chỉ Microsoft Certified Solution Associate (MCSA)
MCSA là một chứng chỉ cấp độ cơ bản khác của Microsoft, chứng nhận khả năng thiết kế và tạo ra các giải pháp công nghệ trên bộ phần mềm và dịch vụ của Microsoft. MCSA là phiên bản cao cấp hơn một chút so với MTA nhưng bạn không cần hoàn thành MTA trước khi thi MCSA. Dẫu vậy, bạn cần có MCSA trước khi lấy các chứng chỉ khác của Microsoft như MCSE, MCSD, MCPS hoặc MCT.
Lệ phí thi: Tùy thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ
10. Chứng chỉ PMI Certified Associate in Project Management (CAPM)
CAPM là chứng chỉ cấp độ cơ bản được công nhận rộng rãi dành cho các quản lý dự án được cấp bởi Viện Quản lý Dự án Hoa Kỳ (PMI). Tuy nhiên, kể cả không làm quản lý dự án bạn vẫn nên có chứng chỉ CAPM bởi rất nhiều công việc trong lĩnh vực CNTT yêu cầu các kỹ năng quản lý dự án để giám sát các dự án kỹ thuật.
Để thi CAPM, bạn cần ít nhất 23 giờ đào tạo về quản lý dự án. Bạn có thể hoàn thành yêu cầu này bằng cách theo học khóa học Project Management Basics của PMI. Khóa học được thiết kế bởi PMI để chuẩn bị cho bạn các kiến thức thi chứng chỉ CAPM, nó bao gồm các kiến thức cơ bản về quản lý dự án và các kỹ năng mà bạn cần cho việc quản lý dự án CNTT.
Lệ phí thi: 225 USD cho các thành viên, 300 USD cho các đối tượng khác.
Học phí: 350 USD cho các thành viên, 400 USD cho các đối tượng khác.
———————————————-
:point_right: Nếu bạn thực sự muốn thử thách bản thân mình ở một lĩnh vực mới thì đừng ngại bỏ ra 5 phút tìm hiểu ngay Chương trình đào tạo Cử nhân đại học trực tuyến của Trường Đại học Mở Hà Nội nhé. Xem lịch khai giảng tại: https://sum.vn/Eu0E0